NGUYÊN NHÂN NHÀ VỆ SINH BỊ THẤM VÀ TÁC HẠI.
Nhà vệ sinh bị thấm là tình trạng khá phổ biến, nguyên nhân là do:
- Sàn nhà vệ sinh thường xuyên có nước, thẩm thấu qua các mạch lát nền và đọng lại dưới sàn bê tông.
- Hệ thống ống dẫn nước bị rò rỉ, bị hỏng
- Tường nhà, sân thượng, sàn mái bị thấm mà không được sửa chữa kịp thời cũng ảnh hưởng là khiến nhà vệ sinh thị thấm nước
- Công trình nhà vệ sinh được thiết kế, xây dựng sai kỹ thuật ở khâu lắp đặt bồn cầu, thiết bị vệ sinh khiến nước xả tràn ra và thấm xuống nền nhà vệ sinh. Hoặc kết cấu bê tông bị lún, chất lượng kém, đan thép thưa không đúng tiêu chuẩn
- Các mạch gạch ở nền nhà vệ sinh bị bong, tạo kẽ hở cho nước ngấm xuống
Có 4 vị trí dễ gây thấm nhà vệ sinh là:
- Hộp kỹ thuật
- Cổ ống đi xuyên sàn
- Chân tường tiếp giáp giữa tường và sàn
- Nứt sàn bê tông nhà vệ sinh.
Khi nhà vệ sinh bị thấm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu ngôi nhà, khiến nhà bị xuống cấp nhanh chóng. Nhà vệ sinh bị thấm, luôn trong tình trạng ẩm ướt gây nhiều phiền toái cho sinh hoạt hàng ngày, là môi trường để vi khuẩn phát triển ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người.
Khi nhà vệ sinh bị thấm, cũng là lúc bạn và gia đình phải tốn một khoản chi phí nhất định để sửa chữa, khắc phục bằng cách dùng sika, màng chống thấm hoặc sơn chống thấm.
CÁCH CHỐNG THẤM SÀN NHÀ VỆ SINH BẰNG SIKA.
ƯU ĐIỂM.
Sika là một trong những chất chống thấm được sử dụng khá phổ biến hiện nay để chống thấm nhà vệ sinh vì những ưu điểm:
- Trộn nhanh
- Dễ quét
- Không cần thêm nước
- Khả năng bám dính tốt
- Ngăn nước thấm qua
Chống thấm sàn nhà vệ sinh bằng sika
CHUẨN BỊ VẬT LIỆU CHỐNG THẤM NHÀ VỆ SINH
Để chống thấm sàn vệ sinh bằng sika, cần phải chuẩn bị những vật liệu sau:
- Chất chống dính sika, bao gồm:
- Sikadur 732: là chất kết nối gốc nhựa epoxy 2 thành phần, không dung môi. Sikadur được dùng để kết nối cho vữa hoặc bê tông mới trộn với bê tông đã đông cứng, gạch, gạch men, thép,..
- Sikagrout 214-11: là vữa rót gốc xi măng, trộn sẵn, không co ngót
- Sikaflex construction AP: chất trám để gắn khe nối gốc polyurethane 1 thành phần
- Sika Primer 3: là chất quét lót cho chất trám khe
- Sikaproof Membrane: là dung dịch chống thấm bitumen polymer cải tiến 1 thành phần, gốc nước, thi công nguội.
- Sika Latex: nhũ tương gốc poly-butadiene làm kết nối và chống thấm cho vữa
- Cọ lăn, máy chà tường hoặc bàn chải sắt, bay xây trát
- Máy khuấy sơn, chổi quét sơn
- Thùng sạch, ca nhựa hoặc máy phun nước, máy phun ẩm
- Máy thổi hoặc máy hút bụi để làm vệ sinh
QUY TRÌNH CÁC BƯỚC CỤ THỂ.
Bước 1: Vệ sinh bề mặt, xử lý bề mặt thi công
- Với công trình mới hoàn thiện phần thô: Dọn dẹp chướng ngại vật, vệ sinh bề mặt cần xử lý chống thấm. Với công trình mới, hoạt động vệ sinh này khá đơn giản và tiết kiệm. Vì thế, chúng ta thường được khuyến cáo nên chống thấm sàn nhà vệ sinh ngay khi công trình mới hoàn thiện phần thô.
- Với công trình cũ: Tháo dỡ các thiết bị đã lắp đặt trong nhà vệ sinh. Căn cứ vào mức độ thấm và tổn hại mà tiến hành bóc lớp vỏ ngoài hoặc không.
Bước 2: Tiến hành chống thấm cho sàn nhà vệ sinh
- Nếu ống nhựa đã được đặt trước, cần tiến hành đục mặt bê tông xung quanh ống với diện tích khoảng 10mm x 10mm. Nếu ống nhựa chưa được lắp đặt, định vị ống và dựng ván khuôn phía mặt dưới.
- Sau khi mặt bê tông đã được làm sạch và khô, tiến hành phủ chất kết nối Sikadur 732 lên bề mặt và đổ Sikagrout 214 -11 xung quanh ống trong khi lớp kết nối vẫn còn dính.
- Thi công lớp Sika Primer 3 lên các mặt của rãnh xung quanh đường ống, bơm Sikaflex Construction AP vào rãnh và để qua đêm. Sau đó, thi công lớp 2 – 3 lớp lót (bằng chổi quét sơn hoặc thiết bị phun) dung dịch pha loãng Sikaproof Membrane với 20-50% nước. Cần đảm bảo mức tiêu thụ là 0.6 kg/m2
- Sau khi lớp lót khô hoàn toàn, trộn vữa kết nối Sika Latex và thi công lên lớp lót với chiều dày từ 1-2mm
- Tiến hành trộn vữa chống thấm với Sika Latex với tỉ lệ 40-50 lít Sika Latex cho 1m3 vữa và quét lên lớp kết nối Sika Latex còn ướt
Bước 3: Nghiệm thu công trình và thử nước
Sau 24 giờ, lớp chống thấm khô, tiến hành ngâm thử nước trong vòng 24 giờ và nghiệm thu chất lượng công trình. Nghiệm thu xong, tiến hành láng vữa bảo vệ chống thấm.
CÁCH CHỐNG THẤM SÀN NHÀ VỆ SINH BẰNG MÀNG CHỐNG THẤM.
ƯU ĐIỂM
Chống thấm sàn nhà vệ sinh bằng màng chống thấm là phương pháp có nhiều ưu điểm như:
- Tiến độ thi công nhanh, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết
- Khả năng chống thấm hoàn hảo với lớp màng dày từ 3-5mm
- Tuổi thọ của công trình chống thấm có thể lên đến hơn 10 năm, thậm chí hơn.
Chống thấm bằng màng chống thấm – khò nóng
CHUẨN BỊ VẬT LIỆU
Các nguyên vật liệu cần chuẩn bị trước khi chống thấm nhà vệ sinh bằng màng chống thấm bao gồm:
- Tấm trải nhựa màng bitum
- Primer gốc bitum
- Đèn khò khí ga
- Máy khò
- Dụng cụ khác: bay, chổi sắt, cọ, lăn,…
QUY TRÌNH CÁC BƯỚC CỤ THỂ
Bước 1: Vệ sinh bề mặt cần thi công, đảm bảo bề mặt sạch sẽ, không còn bụi bẩn hay dầu mỡ. Nếu sàn có chỗ lồi lõm, cần xử lý cho bằng phẳng.
Bước 2: Tiến hành chống thấm bằng màng chống thấm
- Sử dụng đèn khò khí gas làm nóng mặt sàn
- Quét lớp lót Primer gốc bitum lên bề mặt sàn cần thi công
- Dùng máy khò nóng đốt bề mặt tấm trải nhựa bitum cho chảy lỏng đều rồi tiến hành dính xuống mặt sàn. Lưu ý, đốt tấm trải nhựa bitum chảy lỏng đến đâu thì lăn màng đến đó.
- Dán kỹ hoặc dùng gioăng trương nở để quấn quanh chỗ cổ ống để tránh bị nước thấm.
- Để đảm bảo chỗ vị trí tiếp giáp giữa sàn và chân tường được khít, không còn kẽ hở gây thấm, chân tường cần được dán cao khoảng 15-20cm.
- Sau khi dán màng khò nóng xong, tiến hành trát xi măng cát lên bề mặt để bảo vệ lớp màng chống thấm.
Bước 3: Nghiệm thu và thử nước
Sau khi lớp chống thấm khô, tiến hành ngâm thử nước trong vòng 24 giờ và nghiệm thu chất lượng công trình.
CÁCH CHỐNG THẤM TƯỜNG NHÀ VỆ SINH BẰNG SƠN CHỐNG THẤM.
ƯU ĐIỂM
Sử dụng sơn chống thấm là phương pháp phổ biến, không cần khò nóng và khô rất nhanh, với nhiều ưu điểm khác như:
- Thời gian thi công nhanh, dễ dàng
- Độ bền cao nhờ khả năng chịu mài mòn tốt, kháng kiềm và chịu được nước mặn
- Không độc hại, không chứa chì và thủy ngân, không gây hại cho người sử dụng và môi trường sống
CHUẨN BỊ VẬT LIỆU
Khi thi công chống thấm nhà vệ sinh bằng sơn chống thấm cần chuẩn bị:
- Sơn hoặc chất chống thấm
- Máy trộn vữa bê tông, xi măng
- Dụng cụ thi công: bay, chổi sắt, cọ, lăn,…
QUY TRÌNH CÁC BƯỚC CỤ THỂ
Bước 1: Vệ sinh xử lý bề mặt sàn
- Với sàn cũ: Loại bỏ toàn bộ nấm mốc bằng cọ ráp hoặc chổi sắt, mài sạch các vết nứt rồi trám lại bằng bột bả.
- Với sàn mới: Việc vệ sinh đơn giản hơn rất nhiều. Nên tiến hành chống thấm sau khi đổ khoảng 1 tháng
Dùng máy thổi bụi để làm sạch bề mặt thật kỹ, đặc biệt là những chỗ lồi lõm cần được xử lý triệt để. Cần làm ẩm bề mặt sàn bằng nước sạch trước thi công
Bước 2: Tiến hành thi công chống ngấm sàn nhà vệ sinh
- Sử dụng hỗn hợp cát + xi măng để trát bo dốc chân tường cho đều
- Pha hỗn hợp sơn chống thấm theo hướng dẫn của từng loại vào hỗn hợp vữa xi măng và cát đã được trộn đều. Tiến hành khuấy hỗn hợp này thành dạng sệt.
- Dùng bay để phủ hỗn hợp lên trên bề mặt những vị trí cần xử lý. Lưu ý ở những vị trí phức tạp như cổ ống xuyên sàn nhà vệ sinh cần được phủ kỹ và đều.
- Lớp thứ 2 quét cách lớp thứ nhất từ 2-3 giờ với định mức 1,8 – 2 kg/m2/2 lớp, độ dày màng từ 1 – 1,2 mm. Khi quét cần lưu ý quét sao cho lớp sau vuông góc với lớp trước để tránh lỗ mọt bọt khí.
Bước 3: Nghiệm thu và thử nước
Sau khi lớp chống thấm khô, tiến hành ngâm thử nước trong vòng 24 giờ và nghiệm thu chất lượng công trình.
Trên đây là toàn bộ quy trình chống thấm sàn, tường nhà vệ sinh theo các phương pháp phổ biến hiện nay, mang lại hiệu quả lâu dài. Hy vọng bài viết đã phần nào hữu ích với bạn, giúp bạn lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất cho công trình của mình.